Hội thẩm Hoa Kỳ – Tôm Việt Nam

Ngày 18 tháng 5 năm 2010, Ban Hội thẩm vụ DS404 được thành lập, với chủ tịch là Mohammad Saeed, hai thành viên là Deborah Milstein và Iain Sandford.[25] Phán quyết của vụ việc này được Ban Hội thẩm ban hành ngày 11 tháng 7 năm 2011, đưa ra nhận định và quyết định đối với các vấn đề mà Việt Nam khiếu kiện.

Zeroing

...chúng tôi [Panel] ủng hộ các lập luận của Việt Nam rằng phương pháp Zeroing của Hoa Kỳ có khả năng áp dụng chung và trong tương lai. Việt Nam đã chứng minh được sự tồn tại của phương pháp Zeroing như một điều luật hay quy tắc chung và cả áp dụng trong tương lai của Hoa Kỳ. Do đó, chúng tôi kết luận rằng phương pháp Zeroing của Hoa Kỳ không phù hợp với quy định của WTO [Điều 9.4, ADA; VI:2, GATT 1994].

Ban Hội thẩm, nhận định về Zeroing.[26]

Với Zeroing, Ban Hội thẩm ủng hộ lập luận của Việt Nam rằng việc sử dụng phương pháp này của Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong xác định biên độ phá giá đối với các bị đơn bắt buộc trong rà soát hành chính lần hai (2007–08) và lần ba (2008–09) là trái với phương pháp tính theo bình quân gia quyền quy định ở ADA.[27][28] Trong quá trình điều tra chống bán phá giá, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã áp dụng cách thức này cho các bị đơn bắt buộc là Minh Phú, Minh Hải, Camimex, và Phương Nam, theo đó chỉ tính các trường hợp bán phá giá, không tính các trường hợp mà bốn bị đơn này xuất khẩu với giá bình thường đúng quy định, Ban Hội thẩm cho rằng cách tính này không đánh giá đúng tổng quan thị trường cũng như điều khoản trong điều ước quốc tế.[29][30] Ngoài ra, Ban Hội thẩm cũng cho rằng việc sử dụng phương pháp Zeroing trong bất kỳ rà soát hành chính nào của Hoa Kỳ là vi phạm quy định về mức thuế chống bán phá giá vượt qua biên độ bán phá giá.[31][32]

Bị đơn được chọn

Về việc Mỹ giới hạn số lượng bị đơn được lựa chọn điều tra, Việt Nam cho rằng DOC đã áp dụng câu thứ hai của Điều 6.10, ADA, cho phép trong vài trường hợp nhất định, các cơ quan điều tra được xác định biên độ phá giá riêng cho chỉ một số nhà xuất khẩu được chọn điều tra,[33] nhằm mục đích tước bỏ quyền lợi chính đáng của các nhà xuất khẩu bị điều tra.[34][35] Ban Hội thẩm bác bỏ khiếu kiện này, nguyên nhân là do Việt Nam đã không khẳng định việc giới hạn điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong rà soát là không phù hợp với câu thứ hai của Điều 6.10, và cho rằng không có điều khoản nào do Việt Nam trích dẫn áp đặt bất kỳ giới hạn nào trong việc các cơ quan có thẩm quyền tự hạn chế cuộc điều tra của họ, trừ những điều được quy định trong điều khoản đó.[36] Liên quan đến vấn đề điều tra riêng các bị đơn không được lựa chọn điều tra nhưng tự nguyên cung cấp bản trả lời, trong báo cáo của mình, Ban Hội thẩm đã bác bỏ khiếu kiện của Việt Nam với lý do trên thực tế không có doanh nghiệp nào của Việt Nam không được lựa chọn điều tra nhưng cung cấp bản trả lời tự nguyện.[37]

Lập luận của Việt Nam [về bị đơn bắt buộc] chưa đủ sức thuyết phục. Theo quan điểm của chúng tôi, việc sử dụng giới hạn điều tra (limited examinations) [của Mỹ] được quy định riêng bởi câu thứ hai của Điều 6.10.[lower-alpha 5] Việt Nam chưa xác định bất kỳ điều khoản nào khác trong Hiệp định về Chống bán phá giá quy định việc sử dụng giới hạn điều tra. Cụ thể, Việt Nam chưa xác định được nội dung nào trong câu đầu tiên của Điều 6.10 hoặc các Điều 9.3, 11.1 và 11.3, liên quan đến việc sử dụng các giới hạn điều tra.[38]

Thuế cho bị đơn tự nguyện

Việt Nam viện dẫn Điều 9.4, ADA, theo đó thuế suất áp dụng cho các bị đơn tự nguyện không được lựa chọn điều tra sẽ bằng bình quân gia quyền thuế suất xác định cho các bị đơn bắt buộc (trừ các trường hợp bị đơn bắt buộc có mức thuế suất xác định dựa trên các thông tin sẵn có bất lợi hoặc có thuế suất bằng 0% hoặc từ 0–2%).[39] Trên thực tế, điều khoản này của ADA không quy định về cách thức xác định thuế suất cho bị đơn tự nguyện khi tất cả các bị đơn bắt buộc đều có mức thuế suất bằng 0 hoặc không đáng kể (như kết quả của hai lần rà soát hành chính), và Ban Hội thẩm không trả lời khiếu kiện của Việt Nam về vấn đề này. Mặc dù vậy, vì DOC sử dụng phương pháp Zeroing (đã bị tuyên là vi phạm) trong vụ điều tra gốc để tính toán thuế suất cho bị đơn tự nguyện nên việc Mỹ sử dụng mức thuế suất này cho các bị đơn tự nguyện trong hai lần POR[40] được Ban Hội thẩm xác định là vi phạm ADA.[41]

Thuế suất toàn quốc

Theo Việt Nam, Điều 9.4, ADA quy định rằng cơ quan điều tra phải tiến hành điều tra xác định thuế suất riêng cho từng bị đơn trong vụ việc chống bán phá giá; trong trường hợp không thể điều tra hết được thì cơ quan này có thể chỉ điều tra một số lượng bị đơn nhất định, số bị đơn còn lại sẽ được hưởng thuế suất bằng bình quân gia quyền của các bị đơn được điều tra; và do đó, chỉ có hai loại thuế suất là thuế suất riêng cho bị đơn bắt buộc (individual rates), và thuế suất cho các bị đơn còn lại ("all other" rate) trong vụ điều tra chống bán phá giá.[42] Trong vụ tranh chấp, ngoài hai loại thuế suất trên, Mỹ còn áp dụng thêm loại thuế suất toàn quốc (country-wide rate) cho các trường hợp bị đơn không được lựa chọn điều tra và không thỏa mãn điều kiện "hoạt động độc lập, không chịu sự kiểm soát của Nhà nước" để được hưởng mức all others rate. Ban Hội thẩm ủng hộ lập luận của Việt Nam rằng quy định này của Hoa Kỳ là vi phạm ADA vì thuế all others được áp dụng không kèm theo điều kiện gì, việc Mỹ đặt thêm điều kiện "doanh nghiệp phải chứng minh được mình độc lập khỏi sự kiểm soát của Nhà nước" là vi phạm ADA.[43]

Khuyến nghị chung

Từ các phán quyết về bốn vấn đề được Việt Nam khiếu kiện, Ban Hội thẩm DS404 tuyên chấp nhận lập luận của Việt Nam về Zeroing và thuế suất toàn quốc, bác bỏ vấn đề về bị đơn được chọn, không trả lời vấn đề về thuế suất cho bị đơn tự nguyện, kết luận cuối cùng là Hoa Kỳ có các hành vi vi phạm các điều khoản của Hiệp định về Chống bán phá giá, Hiệp ước chung về Thuế quan và Mậu dịch, và điều này đã gây tổn hại tới quyền lợi của Việt Nam theo các hiệp định này.[44] Theo đó, Ban Hội thẩm khuyến nghị Hoa Kỳ điều chỉnh các biện pháp liên quan cho phù hợp các hiệp định nêu trên.[45]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hoa Kỳ – Tôm Việt Nam //www.worldcat.org/issn/1859-2953 //www.worldcat.org/issn/1859-3879 http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tin... http://lapphap.vn/Upload/AnPham/So-16-2011.pdf http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx... http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx... https://web.archive.org/web/20171209120930/https:/... https://web.archive.org/web/20220302234826/https:/... https://web.archive.org/web/20220403015939/https:/... https://web.archive.org/web/20220403015954/https:/...